Chuyển đổi số - giải pháp hiện đại hóa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Chuyển đổi số” (Digital transformation) thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình quản lý, sản xuất truyền thống sang số hóa bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, sản xuất của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu.
Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thưc hiện Đề án. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là điều kiện tiên quyết để sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của nước ta được minh bạch về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng nhận biết, kỹ năng tương tác của người dân, doanh nghiệp để làm tiền đề tối đa hiệu quả của chuyển đổi số.
Đặc biệt hơn nữa, Chính phủ Việt nam rất quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đi cùng xu hướng trên, Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được xem là một trong những nội dung cấp thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 2 trụ cột quan trọng là Khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Để thực hiện được điều này, thì việc chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết vì trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn rất cấp thiết buộc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và thậm chí là người sản xuất phải tiếp cận để thích nghi, chuyển đổi số là bài toán giúp nông dân nâng cao năng suất làm việc, tăng lợi nhuận và tối ưu hóa họat động sản xuất.
Trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi thực hiện giãn cách xã hội thì việc bán hàng online được xem là kênh tiêu thụ sản phẩm được nhiều tổ chức và cá nhân lựa chọn. Đây được xem là xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử khi người dùng truy cập Internet và tìm kiếm sản phẩm mua sắm trên các kênh online ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của sàn thương mại điện tử của tỉnh, postmart và Voso thì trong 6 tháng cuối năm 2021 đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua – bán trên sàn thương mại điện tử.
Tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vào tháng 6 năm 2021, Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định chậm chuyển đổi số sẽ khiến cho việc kết nối gặp nhiều khó khăn, người sản xuất sẽ bị hạn chế về thông tin, người thu mua sẽ không có được thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như thời điểm thu hoạch nông sản. Chuyển đổi số giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại, gắn với gần 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta từng bước thay đổi phương thức kinh doanh của người dân cũng như thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ là cơ hội để khắc phục những tồn tại như mô hình sản xuất nhỏ lẻ, giá thành cao, kém phát triển cũng như thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Xác định được chuyển đổi số là giải pháp hiện đại hóa ngành nông nghiệp, trên cơ sở Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP ngày 31/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2022 ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện các nội dung về chuyển đổi số như sau:
Một là, Xây dựng và phát triển nền tảng cho chuyển đổi số với các nhiệm vụ trọng tâm như: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số, nền tảng số; Phát triển nền tảng dữ liệu số.
Hai là, Chuyển đổi số trong cải cách hành chính, rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, Phấn đấu 100% thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ thực hiện mức độ 4 trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh.
Ba là, Phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP khi được UBND tỉnh công nhận đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Triển khai áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào các sàn thương mại điện tử
Bốn là, Xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm
Năm là, Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Sáu là, Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Nói cách khác, tiến hành chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là tất yếu trong thời đại ngày nay. Có thể nói chỉ khi xây dựng được nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin thông qua chuyển đổi số thì ngành nông nghiệp mới vươn xa hơn, tạo nên thương hiệu nền nông nghiệp có trách nhiệm./.


(Ghi chú: Hình ảnh các Đ/c tại điểm cầu tỉnh Bình Dương tham dự hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, ngày 27/12/2021 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức)