Định hướng phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030

Ngày 03/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó ngành trồng trọt tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các nông sản chủ lực (gồm Cao su; Rau, quả; Các loại hoa, cây cảnh và sinh vật cảnh; Thịt heo; Thịt và trứng gia cầm).

Mục tiêu  cụ thể đến năm 2030 như sau:

(1) Chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 2 - 2,5%/năm.

(2) Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất của ngành.

(3) Khoảng 1 - 2% diện tích trồng cây ăn quả và rau chủ lực ở các vùng sản xuất tập trung đảm bảo đạt tiêu chuẩn hữu cơ và khoảng 2 - 2,5% đảm bảo theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ (heo thịt, gà thịt) đạt khoảng 1 - 1,5% trên tổng sản lượng sản xuất của cả tỉnh.

(4) 20% diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP.

(5) Có ít nhất 90% tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.

(6) Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.

(7) Đến năm 2025: Phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 01 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên. Đến năm 2030: Nhân rộng mô hình “Làng thông minh” đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

(8) Phấn đấu 80% dân số nông thôn được cấp nước sạch.

(9) Hình thành 06 khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại đianj bàn các huyện, thị phía Bắc: Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng

 

Theo đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời kỳ quy hoạch phân thành 02 vùng gồm 5 tiểu vùng để phát triển như sau:

anh tin bai

- Vùng I (Phía Bắc) - Phát triển nông nghiệp truyền thống:

Không gian lãnh thổ: Bao gồm 4 huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên với tổng diện tích khoảng 200.586 ha. Đây là những địa phương có thế mạnh về nông, lâm, thủy sản với khả năng phát triển mở rộng các vùng nuôi trồng quy mô lớn.

Định hướng: Phát triển các vùng chuyên canh cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, các vùng chăn nuôi quy mô trang trại cho các trang trại, doanh nghiệp với phương thức chăn nuôi công nghiệp; xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trồng cây lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng; xây dựng mô hình vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái; nuôi thủy sản nước ngọt và thủy đặc sản. Phát triển nông nghiệp đô thị tại các khu đô thị trung tâm (các thị trấn), lan tỏa dần ra các vùng đệm.

- Vùng II (Phía Nam) - Phát triển nông nghiệp đô thị:

Không gian lãnh thổ, gồm: Bao gồm 5 thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và TP.Tân Uyên với tổng diện tích khoảng 68.877 ha. Đây là những vùng có quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ.

anh tin bai

Định hướng: Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, ít sử dụng đất; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, ưu tiên trồng các loại hình hoa cây cảnh, mảng xanh đô thị, nuôi trồng sinh vật cảnh ở vùng lõi đô thị; trồng rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, rau thủy canh, nấm ăn, nấm dược liệu, cây ăn quả đặc sản và nuôi trồng các loại sinh vật cảnh ở các khu vực vành đai.

Để đạt những mục tiêu trên, ngành trồng trọt định hướng và đề ra các giải pháp như sau:

  1. Định hướng phát triển ngành trồng trọt

Tập trung phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, rau củ, bao gồm tổ hợp các nông trại trồng trọt chất lượng cao (xanh, sạch, hữu cơ), tập trung vào các nông sản thế mạnh đem lại giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trong đó: (1) Nhóm cây chủ lực: Cao su, cây ăn quả, rau thực phẩm, các loại hoa, cây cảnh; (2) Nhóm cây duy trì, tái cơ cấu: Cây lương thực (lúa, bắp, mì); cây công nghiệp lâu năm khác (cây hồ tiêu và cây điều).

- Cao su: Chuyển một số diện tích cao su sang đất phi nông nghiệp, trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng chuyển một số diện tích sang phát triển các loại hình nông nghiệp khác như trồng cây ăn quả, phát triển nông nghiệp CNC, phát triển nông nghiệp tuần hoàn bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi khép kín.

- Cây ăn quả: Tiếp tục mở rộng diện tích trên cơ sở chuyển đổi một số diện tích đất hiện đang trồng cao su và một số cây trồng khác có hiệu quả thấp. Ngoài 2 loại cây ăn quả chủ lực hiện nay là cây có múi và măng cụt, 02 loại cây khác có tiềm năng xuất khẩu lớn có thể phát triển trong giai đoạn tới là chuối và sầu riêng. Đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa vườn cây ăn quả phục vụ du lịch sinh thái.

- Rau, củ các loại: Sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Hình thành các vùng chuyên trồng rau tại các huyện phía Bắc và vùng rau nông nghiệp đô thị tại phía Nam.

- Các loại hoa, cây cảnh: Hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các cây có nhu cầu lớn như: Hoa lan, hoa mai, bonsai, cây cảnh,...

- Cây lúa: Diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 của tỉnh là 1.216 ha, trong đó diện tích đất chuyên trồng lúa là 396 ha. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất chuyên trồng lúa, có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng có thể quay lại trồng lúa khi cần thiết.

(2) Giải pháp phát triển

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực… Cụ thể như sau:

- Xây dựng và triển khai các đề án: (1) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (2) Phát triển nông nghiệp hữu cơ; (4) Chuyển đổi số trong nông nghiệp; (5) Phát triển nông nghiệp đô thị; (6) Phát triển cây ăn quả, cây ăn quả đặc sản.

- Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp cả về chiều rộng và chiều sâu. Thành lập các HTX kiểu mới, đặc biệt là dưới hình thức bán doanh nghiệp hoặc có doanh nghiệp đứng ra liên kết hộ sản xuất.

- Tạo môi trường để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Thúc đẩy thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư vào khoa học công nghệ; Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng bộ dữ liệu để số hóa toàn bộ các vùng sản xuất tập trung, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, cấp mã số định danh cho các trang trại, hộ chăn nuôi theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ nông sản. Nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất.

- Đẩy mạnh công tác dự báo thông tin thị trường; xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng sản phẩm; đầu tư xây dựng các chợ nông sản và mạng lưới chợ nông thôn.

- Phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức để đào tạo nhân lực, lao động phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, có tính kết nối cao với các tỉnh.

- Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Trung ương ban hành, đồng thời nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực, hoạt động cần ưu tiên phát triển./.

                                                                   Bích Quyên-PCCT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH BÌNH DƯƠNG
image banner