29/10/2024
Sâu đục quả trên cây có múi và biện pháp phòng trừ
Qua khảo sát thực tế tại một số vùng cây có múi của huyện Bắc Tân Uyên và Phú Giáo cho thấy: Tình hình sâu đục trái gây hại nghiêm trọng và có chiều hướng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất cây có múi.
Sâu đục quả cây có múi là các loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục vào quả tạo những u sần trên vỏ, giai đoạn này phun thuốc phòng trừ không hiệu quả.
Để chủ động kiểm soát và hạn chế sự lây lan sâu đục quả trên diện rộng làm ảnh hưởng sinh trưởng phát triển cây có múi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo đến các hộ nông dân, Trang trại, Hợp tác xã, Công ty trồng cây có múi nên áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo quy trình tạm thời về phòng chống sâu đục quả trên cây có múi của Cục Bảo vệ thực vật như sau: Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân vun đất để diệt nhộng; thăm đồng thường xuyên để phát hiện thời gian trưởng thành sâu đục quả bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới gây hại khi quả vừa hình thành; thu gom những quả bị nhiễm còn trên cây và quả đã rụng xuống đất ngâm trong nước vôi nồng độ 1% ít nhất 24 giờ để diệt sâu non; bao quả là biện pháp có hiệu quả cao nhất đối với sâu đục quả: bao quả khi quả to bằng quả chanh, nếu bao muộn vẫn bị sâu đục quả hại; sử dụng vải màn lưới làm túi bao trái cho hiệu quả cao; nhân thả hoặc tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển để chúng tiêu diệt trứng sâu đục quả và sâu non mới nở; phòng trừ bằng thuốc Bảo vệ thực vật: có thể tạm thời sử dụng thuốc gốc Phenthoate (Dimephenthoate) hoặc Fenvalerate để phun trừ; thuốc BVTV phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì thuốc. Phun trừ ở giai đoạn trước nở hoa và giai đoạn quả non./

(Ảnh: Sâu đục quả bưởi tại vườn bưởi ở xã Hiếu Liêm, Bắc Tân Uyên)