29/10/2024
Thông báo tình hình bệnh vàng lá gân xanh trên cây ăn quả có múi
Cây ăn quả có múi là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh là 3.896,5 ha. Thời gian gần đây, bệnh vàng lá gân xanh (vàng lá Greening) gây hại nhiều trên cây ăn quả có múi. Vào thời gian vừa qua, nhận được thông tin từ người dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên về bệnh vàng lá trên cây có múi, Chi cục phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên đã tiến hành lấy mẫu lá cam, quýt tại xã Lạc An, Hiếu Liêm huyện Bắc Tân Uyên gửi phân tích tại Trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh. Kết quả Mẫu lá cam phát hiện vi khuẩn Liberobacter spp.


(Ảnh: nguồn internet báo nông nghiệp)
Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn Gram âm Liberobacter spp sống trong mạch dẫn của cây và do rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh.
Để hạn chế sự lây lan bệnh trên diện rộng làm ảnh hưởng sinh trưởng phát triển cây ăn quả có múi, Chi cục đề nghị các Trung tâm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khuyến cáo tới người nông dân tại các vùng trồng cây ăn quả có múi thực hiện các biện pháp theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật như sau:
- Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh, vệ sinh vườn, tạo cành, tỉa tán để vườn cây thông thoáng;
- Sử dụng giống sạch bệnh, không dùng mắt ghép, gốc ghép, cành chiết từ những cây bị bệnh;
- Đối với đất trồng: xử lý hố trồng bằng vôi bột, bón lót phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trước khi trồng, không bón quá nhiều đạm;
- Bón phân cân đối, bón phân trung vi lượng kết hợp phun phân bón lá giúp cây phát triển ngọn, thân cành khỏe, chống chịu bệnh;
- Phòng trừ rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh): Sử dụng bẫy dính màu vàng vào các thời điểm cây ra lộc non; nhân nuôi thả kiến vàng để hạn chế rầy chổng cánh; Sử dụng các loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng như hoạt chất Abamectin, Rotenone, Spinosad…;
- Đối với vườn nhiễm nhẹ: cắt tỉa và tiêu hủy cành, cây bị bệnh, vệ sinh dụng cụ cắt tỉa để tránh lây lan;
- Đối với vườn bị nhiễm nặng: tiến hành chặt bỏ, thu gom toàn bộ cây bệnh đem tiêu hủy tránh lây lan trên diện rộng.
Sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy vườn cây bị bệnh cần trồng giống sạch bệnh hoặc luân canh với cây trồng khác từ 2-3 năm.
Trên đây là Thông báo số 220/TB-CCTTBVTV ngày 17/5/2021 về tình hình bệnh vàng lá gân xanh (vàng lá Greening) trên cây ăn quả có múi và biện pháp phòng trừ. Thông báo tới địa phương và các trang trại trên địa bàn để cùng phối hợp phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả./.