Ngày 23/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3485/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
1. Mục tiêu chung
Phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3,0%/năm.
- Tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
- Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- 20% diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); 30% số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP).
- Duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 99%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 93%.
- Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm duy trì ở mức 57,5% .
- Tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 2,5%.
3. Định hướng cơ cấu loại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030
a) Lĩnh vực trồng trọt
- Ứng dụng vào sản xuất các giống cây trồng có xác nhận đạt tiêu chuẩn, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen quý hiếm nhằm mục đích cho công tác sản xuất giống. Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh; phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%.